Phụ nữ có thai là một đối tượng phải đặc biệt thận trọng trong sử dụng thuốc. Bởi vì thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ (trong 3 tháng đầu thai kỳ, một số thuốc có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh…). Như vậy, tốt nhất là không nên dùng thuốc ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp phải dùng thuốc, nếu không dùng thuốc chữa bệnh cho thai phụ thì sẽ nguy hiểm cho bào thai.
Năm 1979, Cơ quan Quản lý Thực Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra hệ thống phân loại thuốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đối với thai A, B, C, D và X như sau:
- Loại A: Thử lâm sàng có kiểm soát cho thấy thuốc không có nguy cơ đối với bào thai trong suốt thai kỳ (thí dụ như acid folic, vitamin B6).
- Loại B: Thử trên súc vật không thấy có nguy cơ và chưa thử trên phụ nữ có thai, hoặc thử trên súc vật thấy có nguy cơ nhưng chưa có bằng chứng tin cậy chứng tỏ có nguy cơ đối với thai phụ (prednisone, insulin).
- Loại C: Thử trên súc vật thấy có nguy cơ và chưa có bằng chứng trên phụ nữ có thai, hoặc chưa thử cả trên súc vật và chưa có bằng chứng trên người (fluconazol, ciprofloxacin).
- Loại D: Có bằng chứng nguy cơ đối với thai nhưng trong vài trường hợp lợi ích điều trị tỏ ra cao hơn nguy cơ (phenytoin, lithium).
- Loại X: Đã thử trên súc vật hoặc trên người hoặc trên kinh nghiệm dùng thuốc lâu dài cho thấy có nguy cơ đối với thai và nguy cơ này cao hơn lợi ích điều trị ở phụ nữ mang thai (isotretinoin).
Như vậy, thuốc loại A là thuốc thuộc loại an toàn cho phụ nữ có thai, nếu thuốc được ghi loại A có nghĩa thuốc dùng được cho phụ nữ có thai (thí dụ như acid folic phải nói là tuyệt đối cần thiết cho phụ nữ có thai, nếu thiếu có thể gây dị tật cho thai nhi). X là thuốc rất có hại, tuyệt đối không dùng (tức chống chỉ định) cho phụ nữ có thai (thí dụ như thuốc trị ung thư hay thuốc trị mụn trứng cá isotretinoin vì sinh quái thai). Giữa A và X có 3 loại B, C, D là các thuốc bác sĩ có thể chỉ định cho phụ nữ có thai trong trường hợp cần thiết và phải cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ gây hại. Thuốc loại B an toàn hơn C, D nghĩa là thuốc loại C bắt buộc dùng phải cân nhắc thật kỹ hơn thuốc loại B và nếu là thuốc loại D thì tốt nhất là không nên dùng (bởi vì kế cận với mức X).
Trong khuôn khổ bài viết không thể liệt kê tất cả các thuốc phân loại A, B, C, D, X theo yêu cầu của bạn đọc vì số lượng rất nhiều. Muốn biết một thuốc được phân loại như thế nào phải tham khảo tài liệu nước ngoài (thí dụ như sách physician’s Drug Handbook). Chỉ xin nêu dưới đây một số thuốc gây quái thai và một số thuốc chống chỉ định với phụ nữ có thai (tức bảng X).
Thuốc gây quái thai
Rượu, ức chế men chuyển, androgen (danazol), chống động kinh (carbamazepin, phenytoin, acid valproic), thuốc trị ung thư (antineoplastics: cyclophosphamid, methotrexat), diethylstilbestrol, idod, isotretinoin, lithi, thalidomide, warfarin…
Một số thuốc phụ nữ có thai không nên dùng
(Ở đây chỉ đề cập một số thuốc thường dùng, các thuốc không được nêu không có nghĩa là an toàn đối với phụ nữ có thai).
1. Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: các barbiturate, các benzodiazepine, rượu.
2. Thuốc giảm đau chống viêm: aspirin, indimethacin, naproxen…
3. Thuốc giảm đau gây nghiện: dextropropoxyphen…
4. Thuốc chống đau nửa đầu: ergotamine.
5. Thuốc kháng sinh: các aminosid. Cloramphenicol, dapson, rifampicin, sulfamid, tetracycline, trimethoprim, co-trimoxazol.
6. Thuốc chống sốt rét: quinine, primaquin, pyrimethamin.
7. Thuốc loại glucorticoid.
8. Các thuốc lợi tiểu, các thiazid.
9. Thuốc hạ huyết áp: reserpin, nifedipin, các chẹn beta.
10. Các thuốc hormone: androgen, estrogen, progesterone (liều cao), stilbestrol.
11. Các sulfamid hạ đường huyết.
12. Thuốc hệ hô hấp: aminophyllin; thuốc da liễu: etretinat, isotretinoin.
13. Vitamin A (liều cao), vitamin K (liều cao).
14. Các loại thuốc nhuận tràng kích thích.
Tóm lại, dùng thuốc cho phụ nữ có thai phải hết sức thận trọng, phụ nữ có thai không được tự ý dùng thuốc, mà theo sự chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ trong lựa chon thuốc và chỉ định thuốc dực tren y học có chứng cứ (evidence-based medicine) tức là đã được chứng minh an toàn hoặc vì lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ có hại đối với phụ nữ có thai.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Đức Theo suckhoedoisong.vn |